Thursday, December 5, 2024

‘5 năm qua tôi sắm Tết lãng phí’

Share

“Tết với tôi luôn đơn giản. Vì nhà cửa được giữ sạch sẽ, ngăn nắp, và dọn dẹp thường xuyên nên cũng không vất vả gì. Mình thường mua hai bộ đồ lịch sự, gọn gàng để mặc Tết, mà vẫn có thể dùng trong những dịp bình thường khác.

Khách đến nhà chủ yếu sẽ nhâm nhi trà thảo mộc (như táo đỏ, hoa cúc, long nhãn, đông trùng hạ thảo, kỷ tử) và ăn các loại hạt, socola. Mua ít nhưng ưu tiên chất lượng và tốt cho sức khỏe. Mọi người thích ghé chơi để trò chuyện, chúc Tết hơn là phải uống rượu bia suốt 30-60 phút như trước đây”.

Độc giả nickname thanhphobuonnnn kể:

“Hơn 6 năm trước, gần Tết, tôi vừa đi làm vừa tranh thủ ghé siêu thị sau giờ làm để mua đủ các loại bánh kẹo mẹ thích. Tất cả được đóng thùng gửi về quê trước để mẹ bày biện, xem đã đủ chưng Tết chưa.

Những ngày đó, siêu thị luôn đông nghịt, nhất là từ ngày 20 Tết trở đi. Chen chúc mua sắm rất mệt mỏi, nhưng tôi không nỡ để mẹ lo không có gì bày lên bàn thờ.

Sau dịch, không khí Tết có phần trầm lắng hơn, siêu thị cũng vắng hơn nên tôi mua sắm thoải mái hơn. Nhưng lại thấy buồn vì không còn không khí đông vui như trước.

Năm nay, mình vẫn để dành một khoản mua sắm cho mẹ như mọi năm. Chỉ cần thấy mẹ vui cười là tôi đã hạnh phúc rồi. Với gia đình nhỏ của mình, mọi thứ đơn giản hơn vì tôi nghĩ còn nhiều Tết về sau. Còn mẹ, mỗi năm Tết đến lại già thêm, khiến mình càng thêm thương mẹ”.

Thời thế thay đổi, Tết cũng không còn quá áp lực như trước. Độc giả nickname Seven Love chia sẻ:

“Những năm gần đây, chợ chỉ nghỉ mùng 1, mùng 2 đã bán trở lại nên không cần trữ đồ nhiều như trước. Giá cả tuy có tăng vào dịp Tết nhưng vẫn thấp hơn thời chợ nghỉ dài ngày, khi mà ai cũng phải mua thực phẩm dự trữ với giá đắt đỏ.

Giờ thì khác, hàng quán mở cả Tết, muốn ăn gì cũng có. Sáng mùng 1, người ta đã có thể ra ngoài ăn phở. Việc mua sắm cũng nhẹ nhàng hơn nhờ các sàn thương mại điện tử, với giá cả hợp lý, chính sách trả hàng linh hoạt, và thường xuyên có khuyến mãi.

Đồ mua qua sàn còn rẻ hơn ở chợ hay cửa hàng, lại được giao tận nơi, thậm chí trong thành phố thì giao hỏa tốc mà không tốn phí nếu áp mã giảm giá”.

Đối với độc giả haiphonghpk1802 Tết xưa và nay là hai bức tranh khác biệt:

“Người ta nói rằng càng lớn Tết càng nhạt, và nhịp sống hiện đại làm Tết nhạt đi cũng không sai. Tôi may mắn sinh ra vào những năm 90, không phải trải qua Tết trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn như các bậc cha chú, nhưng cũng không quá đủ đầy như thế hệ ngày nay.

Tết ngày xưa có vị đặc biệt: một bộ quần áo mới, vài món kẹo ngon mà ngày thường không có, hay những mâm cỗ Tết thịnh soạn với các món ăn chỉ xuất hiện dịp đặc biệt. Tết là sự trông ngóng, háo hức; là quây quần gói bánh, tảo mộ, dựng nêu, đi chợ phiên, và dọn dẹp xóm làng. Không khí Tết ngày đó thật rôm rả và vui vẻ.

Tết ngày nay đã khác. Với nhiều người, quần áo đẹp là chuyện thường, món ngon thì chỉ cần ra quán là có. Việc gói bánh chưng cũng mai một dần. Tết giờ đây giống như kỳ nghỉ để xả hơi sau một năm làm việc cật lực, không còn sự mong ngóng, háo hức như xưa. Nhưng với tôi, Tết vẫn là nét đẹp văn hóa, giá trị truyền thống của người Việt mà lớp trẻ cần gìn giữ”.

Cuối cùng, độc giả Quang nguyễn nhấn mạnh ý nghĩa cốt lõi của Tết:

“Tết là dịp nghỉ ngơi, sum họp và gắn kết gia đình, để con cháu tưởng nhớ công ơn ông bà tổ tiên. Trong cuộc sống hiện đại đầy vội vã, Tết là thời gian để xã hội và mỗi gia đình sống chậm lại.

Sau khi cúng ông bà, hạ lễ và thụ lộc, cả gia đình quây quần bên mâm cơm ấm cúng. Trong tiết trời giá lạnh, dưới ánh đèn nhấp nháy từ cây đào, chậu quất, mọi người trò chuyện rôm rả về chuyện xưa, chuyện nay, thêm yêu thương gia đình và quê hương, đất nước.

Tết tùy thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh của mỗi gia đình”.

*Kế hoạch chi tiêu dịp Tết tới của bạn thế nào? Chia sẻ bài viết về địa chỉ email: bandoc@vnexpress.nethoặc ấn vào box bên dưới.

Read more

Local News