Thursday, November 28, 2024

Phẫu thuật robot – bước tiến trong điều trị bệnh lý lồng ngực

Share

Sau 7 năm từ ca đầu tiên các bác sĩ Việt Nam ứng dụng robot phẫu thuật cho người lớn, đến nay nhiều robot thế hệ mới được triển khai hỗ trợ điều trị bệnh lý lồng ngực.

Thầy thuốc ưu tú, BS.CKII Trần Công Quyền, Phó khoa Ngoại Lồng ngực – Mạch máu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, chia sẻ như trên tại Hội nghị Ngoại khoa và Phẫu thuật Nội soi toàn quốc, ngày 21-23/11. Phẫu thuật robot là phương pháp mổ hiện đại nhờ bóc tách triệt để khối u giúp tăng hiệu quả điều trị, bệnh nhân ít đau hơn, ít mất máu, hồi phục sau 1-3 ngày, đảm bảo thẩm mỹ. Do đó, phương pháp này được sử dụng nhiều tại các nước phát triển.





Bác sĩ Quyền trình bày báo cáo về ứng dụng robot da Vinci Xi trong phẫu thuật lồng ngực tại hội nghị. Ảnh: Thu Hà

Bác sĩ Quyền trình bày báo cáo về ứng dụng robot da Vinci Xi trong phẫu thuật lồng ngực tại hội nghị. Ảnh: Thu Hà

Bác sĩ Quyền cho hay lần đầu tiên ứng dụng robot để phẫu thuật lồng ngực là vào năm 2002. Trong giai đoạn 2018-2022, mỗi năm thế giới thực hiện 1-2 triệu ca phẫu thuật robot. Từ đầu năm 2024 đến nay có hơn 2,6 triệu trường hợp được điều trị bằng phương pháp này. Tại Việt Nam, từ năm 2017 đến nay có hơn 3.600 ca phẫu thuật robot, trong đó 16% là ca mổ điều trị bệnh lý lồng ngực. “Việt Nam dần tiệm cận với nền y học tiên tiến, đưa phẫu thuật robot trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu trong can thiệp ngoại khoa”, bác sĩ Quyền nói.

Phẫu thuật là phương pháp điều trị quan trọng các bệnh lý lồng ngực như ung thư phổi, u trung thất, nhão cơ hoành, thoát vị cơ hoành… Khi robot chưa ra đời, có hai phương pháp mổ chính gồm phẫu thuật mở và nội soi. Nếu phẫu thuật mở phải rạch đường mổ dài, làm tăng rủi ro nhiễm trùng, chảy máu, lâu hồi phục… thì mổ nội soi đã khắc phục gần hết các nhược điểm này. Tuy nhiên, cả hai phương pháp đều có nguy cơ gây tổn thương các cơ quan lân cận hoặc khó khăn trong thao tác một số vị trí ở sâu, hẹp. Phẫu thuật robot ra đời là bước tiến trong điều trị bệnh lý lồng ngực.





Bác sĩ phẫu thuật điều khiển cánh tay robot. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ phẫu thuật điều khiển cánh tay robot. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cung cấp

Tại khoa Ngoại Lồng ngực – Mạch máu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, hệ thống phẫu thuật nội soi robot da Vinci Xi thế hệ mới sẽ đưa vào sử dụng từ đầu năm 2025. Robot da Vinci Xi do Mỹ sản xuất có 4 cánh tay mô phỏng gần như các động tác bàn tay con người. Nhờ đó, robot có thể xâm nhập các vị trí hẹp, sâu, khó tiếp cận, giải quyết được những hạn chế của phẫu thuật mổ hở và nội soi cổ điển. Robot được trang bị đầy đủ camera thông minh cho hình ảnh 3D rõ nét, giải thích kết quả nhanh chóng.

Bác sĩ Quyền giải thích ở những vùng có dây thần kinh dưới xương sườn, có thể xảy ra kích ứng do thiết bị phẫu thuật. Robot phẫu thuật được thiết kế để không làm di chuyển điểm xoay ở vùng xương sườn. Vì thế, bệnh nhân ít bị đau và kích ứng mô sau phẫu thuật hơn so với mổ nội soi truyền thống. Sử dụng robot phẫu thuật còn giảm biến chứng, tai biến sau mổ với tỷ lệ cao hơn so với mổ nội soi bằng kỹ thuật khác. Tỷ lệ tái phát, tái nhập viện giảm đáng kể.

Phẫu thuật nội soi bằng robot da Vinci Xi còn điều trị u phổi, ung thư phổi, u trung thất, u tuyến ức, u tuyến giáp… Điều này giúp bệnh nhân có thêm lựa chọn khi điều trị ngoại khoa bệnh lý lồng ngực, tăng hiệu quả chữa trị.

Bên cạnh nhiều ưu điểm, phẫu thuật nội soi robot vẫn có một số thách thức như không gian phẫu thuật nội soi thường hẹp, ảnh hưởng đến tầm nhìn và khả năng thao tác của phẫu thuật viên. Phẫu thuật viên giảm khả năng cảm nhận trực tiếp dao mổ, gây khó khăn trong việc xác định giải phẫu chính xác. Các dụng cụ nội soi yêu cầu kỹ năng vận hành chuyên sâu để đạt hiệu quả tối ưu, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa thành viên trong đội phẫu thuật. Để ca mổ diễn ra thành công, phẫu thuật viên cần được đào tạo chuyên sâu kỹ năng thao tác với cánh tay robot.

Thu Hà

Độc giả đặt câu hỏi bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp


Read more

Local News