Thursday, November 28, 2024

‘Yêu cầu người nổi tiếng cam kết đã dùng sản phẩm quảng cáo là khó khả thi’

Share

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng người nổi tiếng khi quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm sức khỏe phải chứng minh đã sử dụng là khó khả thi và không phù hợp.

Dự luật Quảng cáo sửa đổi đặt ra những quy định chặt chẽ đối với hoạt động quảng cáo, đặc biệt là với người có ảnh hưởng. Theo đó, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ thông tin về hoạt động quảng cáo của mình cho cơ quan chức năng. Với các sản phẩm liên quan đến sức khỏe, người có ảnh hưởng phải cam kết đã trực tiếp sử dụng sản phẩm và cung cấp thông tin chân thật, khách quan về sản phẩm đó.





Đại biểu Trần Thị Thu Hằng. Ảnh: Media Quốc hội

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng. Ảnh: Media Quốc hội

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Phó chánh Văn phòng Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đăk Nông) cho rằng yêu cầu người nổi tiếng phải trực tiếp sử dụng là “chưa phù hợp”. Mục đích quy định là ràng buộc trách nhiệm người làm quảng cáo, nhưng với mỹ phẩm, thực phẩm chức năng thì “cần xem xét về cơ địa, thói quen sinh hoạt, ăn uống, khí hậu vùng miền”.

Thêm vào đó, mối quan hệ giữa người đại diện và nhãn hàng, cơ sở sản xuất kinh doanh được ràng buộc bởi các điều khoản hợp đồng cụ thể. Một cá nhân có thể là đại diện cho nhiều nhãn hàng, tùy thuộc vào nội dung hợp đồng đã ký kết. Việc đánh giá chất lượng sản phẩm nên được giao cho các tổ chức, cá nhân có chuyên môn, độc lập.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Định) cũng cho rằng trách nhiệm chính về chất lượng sản phẩm thuộc về doanh nghiệp. Người chuyển tải quảng cáo chỉ có nhiệm vụ truyền đạt thông tin, không thể thay thế doanh nghiệp trong việc đảm bảo chất lượng.

“Nhãn hàng phải chịu trách nhiệm pháp lý về mọi thông tin quảng cáo mà mình cung cấp, trong khi đó người có ảnh hưởng cần đảm bảo rằng thông tin mình truyền đạt là chính xác và phù hợp với thông tin từ doanh nghiệp”, bà nói.

Đại biểu Sùng A Lềnh (Phó đoàn Lào Cai) và Đặng Thị Bảo Trinh (Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Quảng Nam) cũng băn khoăn về quy định yêu cầu người có ảnh hưởng phải chứng minh đã sử dụng sản phẩm trước khi quảng cáo. Hai đại biểu cho rằng quy định này có thể quá chặt chẽ và khó thực hiện, và nếu có cần quy định rõ về thời gian người có ảnh hưởng sử dụng sản phẩm để đảm bảo tính khách quan của đánh giá.





Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. Ảnh: Media Quốc hội

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. Ảnh: Media Quốc hội

Giải trình cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định sự cần thiết phải cập nhật luật pháp để quản lý hiệu quả hoạt động quảng cáo trong môi trường số, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng.

Ông cho biết dự luật đã bổ sung nhiều quy định mới, đồng thời cũng xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc xây dựng luật pháp cần tìm được sự cân bằng giữa việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và khuyến khích phát triển kinh tế số.

“Chúng tôi sẽ chỉnh lý, làm rõ trách nhiệm của nhà cung cấp, nền tảng mạng xã hội mà quảng cáo được đăng tải; nghiên cứu thêm nhiều cơ chế bảo vệ người tiêu dùng nhưng vẫn đảm bảo phù hợp điều lệ quốc tế và hội nhập”, ông nói.

Dự án Luật Quảng cáo sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp giữa năm 2025.


Sơn Hà

Read more

Local News