Juan Merchan, thẩm phán Tòa án Tối cao New York, hoãn vô thời hạn kết án ông Trump trong vụ chi tiền bịt miệng.
“Tòa chấp thuận đơn xin hoãn tuyên án, trong đó mốc thời gian ngày 26/11 được hoãn lại”, Juan Merchan, thẩm phán Tòa án Tối cao New York, hôm nay tuyên bố.
Merchan ấn định hạn chót ngày 2/12 để ông Trump nộp đơn yêu cầu hủy án và cho các công tố viên thời hạn đến ngày 9/12 để phản hồi. Ông không đề cập ngày tuyên án mới hay nói rõ quá trình xét xử sẽ bị hoãn trong bao lâu, đồng thời không nêu cụ thể cần bao lâu để phản hồi đơn yêu cầu hủy án của ông Trump.
Ông Trump cuối tháng 5 bị bồi thẩm đoàn ở New York kết luận có tội với toàn bộ 34 tội danh về làm giả hồ sơ kinh doanh để che đậy khoản chi nhằm ém thông tin bất lợi khi tranh cử năm 2016, liên quan bê bối tình ái giữa ông và sao khiêu dâm Stormy Daniels.
Ông Trump tuyên bố không có quan hệ với sao khiêu dâm này, phủ nhận đã phạm tội và khẳng định vụ án là “chiến thuật chính trị” nhằm gây tổn hại đến chiến dịch tranh cử của mình.
Một tháng sau khi bồi thẩm đoàn kết tội ông Trump, Tòa án Tối cao Mỹ ra phán quyết rằng các cựu tổng thống không thể bị truy tố vì hành động công vụ họ thực hiện khi đương chức, đồng thời công tố viên không thể viện dẫn hành động này để củng cố lập luận trong vụ án tập trung vào hành vi cá nhân.
Các luật sư của ông Trump dẫn phán quyết này để nhận định bồi thẩm đoàn New York đã được xem một số bằng chứng không phù hợp, ví dụ tờ khai tài chính của ông Trump và lời khai của một số cố vấn trong Nhà Trắng.
Sau khi ông Trump đắc cử tổng thống, công tố viên New York Matthew Colangelo hôm 12/11 nhận định vụ án của ông Trump giờ đây cần được nhìn nhận “trong bối cảnh chưa từng có tiền lệ”. Do đó, tòa án và cơ quan công tố New York cần cân nhắc “cân bằng” giữa phán quyết của bồi thẩm đoàn và vai trò tổng thống của ông Trump.
Vụ án “chi tiền bịt miệng” do công tố viên quận Manhattan Alvin Bragg dẫn đầu. Trong một bức thư đầu tuần này gửi thẩm phán Merchan, các công tố viên của văn phòng ông Bragg cho biết họ không phản đối hoãn tuyên án, thậm chí sẵn sàng chấp nhận kéo dài đến hết nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump, nhưng nhấn mạnh sẽ phản đối mọi nỗ lực hủy án.
Ngoài vụ án này, ông Trump còn đối mặt với các rắc rối pháp lý khác. Công tố viên đặc biệt Jack Smith ngày 13/11 đề nghị đình chỉ vụ truy tố ông Trump vi phạm các quy định về lưu trữ và quản lý tài liệu mật sau khi rời Nhà Trắng vào năm 2021. Ông Smith cho biết giới tư pháp cần đánh giá lại và xem xét hướng đi phù hợp sau khi ông Trump đắc cử nhiệm kỳ thứ hai, do Bộ Tư pháp Mỹ từ lâu đã duy trì chính sách không truy tố các tổng thống đương nhiệm.
Smith còn đang dẫn đầu cuộc điều tra cấp liên bang liên quan cáo buộc âm mưu lật kèo bầu cử năm 2020, thụ lý bởi tòa án liên bang ở Washington. Smith đã đưa ra cáo trạng gồm 4 tội danh nhắm vào ông Trump hồi háng 8/2023. Sau phán quyết hồi tháng 7 của Tòa án Tối cao Mỹ, Smith điều chỉnh cáo trạng, thu hẹp nội dung cáo buộc và tòa chưa phản hồi.
Ngoài ra, ông Trump và loạt đồng minh cũng bị truy tố ở bang Georgia liên quan nỗ lực lật kèo kết quả bầu cử sau khi để thua trước đối thủ Joe Biden năm 2020.
Quá trình xét xử vụ án ở Georgia cũng đang gặp bế tắc do công tố viên hạt Fulton Fani Willis vướng bê bối tình ái. Phía ông Trump cùng các bị cáo đã kiến nghị thẩm phán McAfee loại bà Willis khỏi vụ kiện vì “xung đột lợi ích”. Thẩm phán dự kiến ra phán quyết về vấn đề này vào đầu năm 2025, mở ra khả năng cơ quan tư pháp Georgia phải hủy án nếu không tìm được người thay bà Willis.
Thanh Danh (Theo AFP, CBS, Reuters)