Nhận điện thoại của một người tự xưng là shipper đến giao hàng tại nhà trọ, sinh viên của tôi chuyển tiền nhưng đi học về không thấy hàng đâu.
Thứ bảy vừa qua, tôi đi dạy thỉnh giảng ở một trường Cao đẳng tại Thường Tín, Hà Nội. Trong giờ nghỉ giải lao, tôi có trò chuyện với các em sinh viên, nhắc nhở các em cẩn thận khi mua hàng trực tuyến vì đang có rất nhiều đối tượng lừa đảo. Lúc này, một bạn sinh viên năm nhất chia sẻ câu chuyện mà bản thân vừa gặp phải.
Chuyện là em thường xuyên mua hàng online. Vừa rồi, em nhận được điện thoại của một người tự xưng là shipper đến giao hàng. Lúc đó, em đang học ở trường nên không thể nhận hàng tại ở nhà trọ. Người này nói đúng tên đơn hàng em đã đặt, trị giá 51.000 đồng và nói rằng đã bỏ gói hàng vào bên trong cửa nhà trọ. Em vẫn tin tưởng vì mọi lần em mua hàng online vẫn làm như vậy mà không có chuyện gì xảy ra.
Không nghi ngờ gì nên em chuyển tiền cho shipper. Hết giờ học, em về nhà trọ thì không thấy có gói hàng nào cả. Lúc này, em mới tá hỏa phát hiện mình bị lừa. Nhưng shipper “dỏm” kia đã lặn mất tăm, gọi điện kiểu gì cũng không liên lạc được.
Một lần khác, em muốn mua một chiếc xe đạp cũ để đi học cho đỡ tốn tiền đi xe buýt và thuận tiện hơn cho việc đi làm thêm. Em vào một hội nhóm thanh lý đồ cũ của sinh viên trên Facebook để tìm kiếm. Bởi vì, em nghe các bạn chia sẻ rằng trên các trang mạng xã hội có rất nhiều nhóm thanh lý, mua bán đồ cũ với giá rẻ bằng khoảng một nửa so với mua mới.
>> Bảy năm mua hàng online tôi chưa một lần bị lừa
Sau một hồi, em tìm được một địa chỉ rao bán xe đạp cũ với giá chỉ một triệu đồng. Em nhắn tin theo số đăng bán để hỏi mua và thật thà chia sẻ hoàn cảnh của mình. Đối tượng nắm được tâm lý nên đã giả vờ giảm giá xuống còn 800.000 đồng và yêu cầu em chuyển khoản đặt cọc trước 400.000 đồng, sau khi nhận xe sẽ chuyển khoản nốt 400.000 đồng còn lại. Một lần nữa, em lại tin tưởng và nhanh chóng chuyển khoản số tiền trên.
Thế nhưng, hết thời gian giao hàng mà vẫn không nhận được xe, em liên hệ lại với số điện thoại và tài khoản Facebook của người kia nhưng không thể liên hệ được nữa, họ đã chặn số. Khi ấy, em mới nhận ra rằng mình lại bị lừa với chiêu thức khác.
Thực ra, với người khác thì số tiền em bị lừa không đáng bao nhiêu. Nhưng với một sinh viên nhà nghèo, vừa học vừa làm thêm kiếm tiền để trang trải cho cuộc sống như em thì đó là một số tiền không nhỏ. Tháng đó, em phải ăn mì tôm nhiều bữa để bù lại số tiền đã bị lừa.
Hiện tượng lừa đảo mua hàng trực tuyến hoặc giả danh shipper giao hàng thực ra không mới nhưng vẫn liên tục diễn ra và ngày càng đáng báo động. Nguyên nhân một phần là do nạn nhân nhẹ dạ cả tin, vô tình tiếp tay cho các hành vi gian dối. Do vậy, mỗi người tiêu dùng hãy là những khách hàng thông thái để không rơi vào những tình huống mất tiền oan. Tự trang bị kiến thức, kỹ năng để bảo vệ mình là cách tốt nhất để mỗi người không bị rơi vào cái bẫy lừa đảo như sinh viên của tôi.
* Bạn có từng bị lừa khi mua hàng online?
- Mất sạch gia tài 200 triệu đồng sau một ngày làm kế toán online
- ‘Nhắn tin theo cú pháp để có Internet miễn phí trong tâm bão’
- Đa cấp lừa mẹ tôi mua hộp hồng sâm giá 5 triệu đồng
- 67 triệu đồng ra đi sau bốn ngày chơi chứng khoán cùng bạn Facebook
- Tôi tự tay dâng 200 triệu đồng cho kẻ lừa đảo
- ‘Công an’ yêu cầu chuyển khoản 4 tỷ đồng